Không chỉ nước ép rau màu xanh mới đem lại những công dụng tuyệt vời cho cơ thể. Với màu đỏ rực rỡ và hương vị ngọt ngào, nước ép lựu chứa đến hơn 100 chất phytochemical, và đã được con người sử dụng hàng ngàn năm với mục đích chữa bệnh.
Cụ thể, nước ép lựu giúp giải quyết những vấn đề gì trong cơ thể? Nên mix lựu với nguyên liệu nào và cần lưu ý gì khi uống? Midimori sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về món đồ uống hấp dẫn này nhé!
Nhiều người thường e ngại lượng đường trong các loại nước ép hoa quả, do đó cũng băn khoăn liệu uống nước ép lựu có tốt không.
Hạt lựu có màu đỏ ruby nhờ lượng polyphenol dồi dào. Đây là hợp chất tự nhiên có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, khiến nước ép lựu vượt trội hơn hẳn các loại nước ép trái cây khác về khả năng chống oxy hóa. Hàm lượng chất chống oxy hóa trong lựu cũng cao gấp 3 lần rượu vang đỏ và trà xanh.
Nhờ vậy, uống nước ép lựu thường xuyên có thể giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do và bảo vệ các tế bào khỏi hư hại. Món đồ uống này cũng có tính chống viêm hữu hiệu, giúp ngăn ngừa những tổn thương ở khắp các bộ phận bên trong cơ thể.
Nước ép của một quả lựu cung cấp đến 40% lượng vitamin C mà cơ thể cần trong một ngày. Vitamin C có thể bị phân hủy trong quá trình tiệt trùng, do đó hãy chọn uống nước ép nguyên chất, tươi mới để tận dụng tối đa dinh dưỡng.
Ngoài ra, lựu còn giàu vitamin E, vitamin K, folate và kali. Hãy chăm bổ sung lựu vào thực đơn mỗi khi đến mùa nhé!
Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện nhằm chứng minh nước ép lựu có khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy chưa có nghiên cứu lâu dài trên cơ thể người, những kết quả sơ bộ về tác dụng chống ung thư từ lựu vẫn rất đáng khích lệ.
Các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu với nồng độ cao được cho là có thể đẩy lùi bệnh Alzheimer và bảo vệ trí nhớ. Để cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ, bạn nên uống khoảng 8 ounce (236 ml) nước ép mỗi ngày.
Nước ép lựu có thể làm giảm viêm ruột và cải thiện tiêu hóa. Những người bị viêm loét đại tràng có thể cảm nhận được lợi ích khi uống thường xuyên.
Vẫn có những tranh cãi liên quan đến việc nước ép lựu làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy. Vì lý do này, nhiều bác sĩ khuyến cáo người bị tiêu chảy không nên uống cho đến khi các triệu chứng đã giảm hẳn.
Nước ép lựu được đánh giá là loại nước ép tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Nó giúp cải thiện lưu lượng máu, làm chậm sự tích tụ cholesterol trong động mạch.
Tuy vậy, lựu có thể phản ứng tiêu cực với các loại thuốc điều trị huyết áp và cholesterol như statin. Do đó, bệnh nhân tim cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước ép lựu để hỗ trợ điều trị bệnh.
Nước ép lựu có giảm cân không?
Lựu chứa 83 calo trên 100g và rất giàu chất xơ. Hương vị thơm ngon của nước ép lựu nguyên chất giúp ngăn chặn đáng kể cơn thèm ăn của bạn, do đó hãy dùng nó thường xuyên hơn để thay thế các loại đồ uống chứa nhiều đường tinh luyện nhé. Đồ uống công nghiệp đóng chai sẵn chính là một trong những “thủ phạm” gây tích mỡ mà bạn cần tránh.
Ngoài ra, lựu chứa hàm lượng phong phú các chất chống oxy hóa, polyphenol và axit linolenic liên hợp. Tất cả đều giúp bạn đốt cháy chất béo và tăng cường trao đổi chất.
Tuy vậy, bạn không thể giảm cân nếu chỉ dựa vào nước ép lựu. Để đạt được mục tiêu về cân nặng, hãy xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh bằng cách tăng rau củ trong chế độ ăn, bớt đồ chiên rán và chế biến sẵn nhé.
Trong trường hợp không có máy ép, bạn có thể thử làm nước ép lựu bằng máy xay sinh tố. Chỉ cần cho tất cả hạt lựu vào máy, sau đó thêm một chút nước và bấm nút xay thật nhuyễn. Lọc qua rây, ta có phần nước ép tươi.
Thành phẩm vẫn thơm ngon và dễ uống nhưng bị loãng và nhạt vị hơn so với nước ép làm bằng máy ép. Do đó, đây chỉ là giải pháp tạm thời thôi nhé.
Sẽ tiện lợi biết bao khi có chiếc máy ép trái cây tốc độ chậm tại nhà. Để làm nước ép lựu bằng máy ép chậm, chúng ta tách hạt lựu ra bát tô trước, sau đó đổ từ từ hạt vào máy ép và chờ đợi thành quả. Máy ép chậm sẽ vắt kiệt bã và cho chúng ta ly nước ép lựu đỏ nguyên chất, dinh dưỡng nhất.